lgqd

Biểu hiện lòng tôn kính đức Phật

Đức Phật là nhân vật có thật trong lịch sử, người đầu tiên đạt được quả vị giác ngộ và hướng dẫn con đường giác ngộ đó cho chúng sinh. Trên thế giới, trước khi Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật thì quả vị giác ngộ chỉ có ở truyền thuyết và đức tin, chưa có một tu sĩ, đạo sĩ hay người nào đạt đến quả vị này. Nhận thức về đức Phật chúng ta cần ghi nhận rằng, Phật giáo là một tôn giáo không có Thượng Đế, và đức Phật không phải là đấng tối cao có quyền năng ban phước giáng họa cho người khác. Đức Phật trong Phật giáo là một con người được sinh ra trong đời, lớn lên trong đời và bằng chính sự nỗ lực, trí tuệ cá nhân Ngài đã chứng đắc quả vị giác ngộ, thành Phật. Đức Phật hoàn toàn bình dị, Ngài không hề nắm giữ bất cứ thứ gì mang tính thần khải, thiêng liêng, siêu nhiên thuộc về một thế giới khác. Không có ai trao truyền cho Ngài một thông điệp mang tính cách linh thiêng, siêu nhiên hay thuộc vào một thế giới khác hơn là cái thế giới này. Cho nên trong Phật giáo, nếu tin đức Phật là những thế lực đó thì gọi là tà kiến, sai lầm. Đức Phật chỉ quan tâm đến những gì thật đơn sơ của hiện thực mà không hề chờ đợi những ước mơ và hy vọng xa vời, nên giáo lý của Ngài mang tính thiết thực, có lợi ích ngay trong đời sống hiện tại. Đó là điểm khác biệt cụ thể về mặt tư tưởng giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. 

Sự khác biệt giữa Phật với chúng sinh là ở sự giác ngộ chân lý, giác ngộ rồi là Phật; chưa giác ngộ, còn mê lầm là chúng sinh. Tuy nhiên, cuộc đời và những lời giáo huấn của Ngài vô cùng kỳ diệu, vượt lên tất cả các quan niệm của đời thường nên người đời sau đã xem ngài như một đấng thiêng liêng, tối cao trong trái tim họ (thậm chí là tối cao nhất trong tất cả các thần linh), đặc biệt là những lúc họ yếu đuối, nguy nan, khủng hoảng nhất. Ngoài ra, sự ngộ nhận đức Phật là một thần linh, đấng siêu nhiên, hay lực lượng linh thiêng còn xuất phát từ sự đánh đồng đạo Phật với các tín ngưỡng từ bản địa. Trước khi Phật giáo xuất hiện, nước ta đã có các tôn giáo, tín ngưỡng đa thần nên khi đạo Phật du nhập buộc phải uyển chuyển, hài hòa với tôn giáo, tín ngưỡng bản địa và chấp nhận một số thần linh trong sinh hoạt tôn giáo của đạo Phật, nên đến nay nhiều tín đồ vẫn còn ngộ nhận Phật giáo là tôn giáo đa thần và xem đức Phật là đấng siêu nhiên vượt lên trên các thần linh khác.

Cần phải nhận thức đúng đắn rằng đức Phật là bậc giác ngộ với đầy đủ phước đức và trí tuệ, nên nhân loại xưng tán Ngài là Như Lai, Thế Tôn, bậc Đạo sư. Ngài có tấm lòng từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sinh. Ngài không chỉ tìm kiếm Niết bàn cho riêng mình mà còn chỉ dạy người khác thực hành theo, Ngài có đủ khả năng để giúp người khác hiểu rõ, thực chứng điều đó. Nói vậy không có nghĩa đức Phật có thể ban cho người khác sự giác ngộ, Ngài chỉ có thể chỉ dạy cho chúng sinh thấy một con đường, và những ai muốn được giác ngộ thì phải tự mình bước đi trên con đường đó, chẳng ai có thể làm được việc ấy giúp mình cả. Vì thế đạo Phật còn được gọi là đạo tự giác (tự mình giác ngộ). Có thể nói, thông điệp“Tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ” mà đức Phật gửi đến cho con người và cuộc đời là một thông điệp đầy niềm tin và tính nhân văn, đặt nền móng cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của Phật giáo cho đến ngày nay.

Vì hiểu về đức Phật nên chúng ta phát khởi niềm tin ngài là bậc thầy tối cao của sự thanh tịnh, trí tuệ và lòng từ bi; là người xứng đáng để nương tựa; là người có thể hướng dẫn con đường thực tập hướng đến an vui, hạnh phúc mà tối hậu là giác ngộ, giải thoát. Đồng thời, chúng ta dành cho ngài một tình cảm thiêng liêng, một lòng tôn kính và ngưỡng mộ như một người cha hiền cao thượng. Tuy nhiên, sự kính ngưỡng này không phải là sùng kính mà nó giống như lòng tôn trọng và hiếu kính đối với cha mẹ, nên các Phật tử thường không thích xưng mình là tín đồ, mà thích xưng mình là đệ tử, Phật tử, tức người học trò, người con của đức Phật.

Từ sự hiểu biết, niềm tin và tình cảm vào đức Phật, chúng ta phát nguyện quy y Ngài, học hỏi đức hạnh, thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài để mong muốn có được trí tuệ, an lạc, hạnh phúc và một ngày nào đó cũng đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát như Ngài. Những hành vi đó được biểu hiện cụ thể trong đời sống như sau:

- Tại gia đình: Chúng ta thỉnh tượng đức Phật thờ tại gia đình để hàng ngày chiêm ngưỡng, cúng dường, lễ bái. Tuy nhiên, chúng ta không nên quan niệm rằng cúng dường Phật để cầu Ngài ban ơn, lễ bái Phật để cầu Ngài giáng phước, xóa tội. Sở dĩ chúng ta thờ Phật vì nghĩ nhớ đến ân đức và trí tuệ của Ngài đã tìm ra con đường giác ngộ cho nhân loại nên cúng dường Phật là để phát khởi thiện tâm, lễ bái Phật là tỏ lòng khát khao giải thoát, giác ngộ. Ngay cả khi chúng ta lễ Phật sám hối cũng không có nghĩa cầu Phật tha tội mà đó là nhờ Phật làm đối tượng để phát khởi tâm ăn năn hối cải từ đó xây dựng tâm tính ngày một hiền thiện hơn. 

Bên cạnh đó, chúng ta thờ Phật còn có ý nghĩa sống và hành động theo lời Phật dạy, tức xem Phật là tấm gương sáng soi chiếu cho chính mình, người thân của mình để noi theo, học tập theo. Cuộc đời đức Phật chứa đựng vô vàng những bài học quý giá mà chúng ta có thể áp dụng cho bản thân cũng như giáo dục gia đình mình như: lòng hiếu thảo, tình thương yêu, tinh thần kiên cường, ý chí dũng mãnh, khả năng uyên bác, đức khiêm từ, sự nhu hòa, v.v… Nếu có duyên được tiếp xúc, học hỏi các kinh sách viết về đức Phật, chúng ta sẽ tìm thấy những hình ảnh tươi đẹp, chấn động tâm khảm và những bài học làm thay đổi cả cuộc đời chúng ta. 

- Tại các cơ sở Phật giáo: Các cơ sở Phật giáo bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường. Ở những nơi này để tỏ lòng tôn kính đức Phật chúng ta thường thực hành một số việc như sau: 

Thứ nhất, tụng kinh. Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời đức Phật đã dạy trong kinh điển. Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật đều là những lời sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ của bậc giác ngộ nói ra. Vì thế, chúng ta chí tâm trì tụng, học hỏi kinh điển; sau đó suy xét, nghiền ngẫm và quyết tâm thực tập sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người xung quanh. Người Phật tử được khuyên nên thực tập phước huệ song tu thì việc tụng kinh được xem như một phần của sự tu huệ vậy. 

Thứ hai, lễ lạy cúng dường. Cúng dường có nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng. Tuy Phật đã nhập diệt, nhưng chúng ta vẫn cúng dường Phật: hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái cây, nước để hình dung đức Phật vẫn còn sống và dạy dỗ chúng ta tu học. Ngoài ra, việc cúng dường xây dựng các cơ sở Phật giáo, thỉnh tượng cúng chùa, đúc chuông, ấn tống kinh sách hoặc cúng vào thùng Phước sương đều được xem là cúng dường Phật. Bởi đó là việc làm người Phật Tử bày tỏ sự biết ơn Tam bảo cũng như hoằng dương đạo Phật, làm cho đạo Phật ngày thêm huy hoàng và trang nghiêm. Đây được xem là một phần trong các cách thức thực tập tu phước vậy. 

Thứ ba, tìm hiểu về cuộc đời đức Phật. Phật dạy: “Ai tin ta mà không hiểu ta tức phỉ báng ta”, chúng ta theo Phật mà không hiểu biết về con người và cuộc đời đức Phật thì niềm tin, sự tôn kính của mình chưa được sâu sắc, vững chãi. Chúng ta học giáo lý của Ngài mà không hiểu rõ đời sống của Ngài, thì sự học hỏi của chúng ta còn phiến diện, thiếu sót, thậm chí có thể hiểu và hành động sai lời Phật dạy.  Bởi lẽ, cuộc đời đức Phật chính là những biểu hiện giáo lý của Ngài. Vậy nên chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta cần phải tìm hiểu về cuộc đời đức Phật cũng giáo lý của Ngài để đem áp dụng làm phong phú và thăng hoa đời sống chúng ta.
- Ngoài xã hội: Nếu việc thực tập giáo lý được diễn ra ở cả ba môi trường: gia đình, cơ sở Phật giáo, ngoài xã hội thì việc thể hiện sự tôn kính đức Phật cũng được diễn ra ở ba môi trường như thế. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất đặc thù của mỗi môi trường mà các hành động tôn kính được biểu hiện khác nhau. Ngoài xã hội, chúng ta chú trọng đến ba việc: ca ngợi công hạnh đức Phật, khuyến khích người khác đặt niềm tin vào đức Phật và bảo vệ hình ảnh đức Phật.

Thứ nhất, ca ngợi đức Phật. Hoằng pháp là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người Phật tử và ca ngợi đức Phật trước một người, nhiều người hay cộng đồng người đúng thời điểm cũng là góp phần hoằng dương Phật pháp. Ca ngợi đức Phật trước người khác là việc làm không hề đơn giản mà vô cùng nghệ thuật, khéo léo, đặc biệt là trước những người chưa được thuần thục, những người chưa biết Phật pháp. Khi chúng ta ca ngợi đức Phật đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh sẽ tạo cho người khác sự thích thú, cảm mến đức Phật, nhờ đó họ phát sinh cảm tình với đạo Phật mà phát tâm Quy y. Ngược lại, chúng ta không khéo léo, tế nhị sẽ bị cho là khoa trương, truyền giáo, đôi khi khiến người khác sinh lòng khó chịu, sinh tâm phản cảm, thậm chí họ càng phản ứng gay gắt trước mặt mình. Do đó, chúng ta cần khéo dùng ngôn từ ca ngợi đức Phật để dẫn dắt họ quay về với đức Phật thì phước báo cũng rất lớn.

Thứ hai, khuyến khích mọi người đặt niềm tin vào đức Phật. Là một Phật tử chúng ta không chỉ biết tự độ mà còn phải biết độ tha. Bản thân chúng ta đã được tưới tẩm bởi năng lượng an lạc, ném trải được vị cam lộ thanh lương từ đạo Phật. Chúng cảm nhận được sự an vui, hạnh phúc, may mắn khi làm đệ tử đức Phật, thế nhưng quanh ta biết bao nhiêu con người, số phận không may mắn, họ chưa đủ duyên lành như ta. Thiết nghĩ chúng ta cần phải phát khởi lòng từ bi, học hạnh bồ tát góp phần đem Phật pháp đến với họ, để họ cũng cảm nhận được sự lợi lạc, an vui như ta. Do đó, chúng ta cần tạo phương tiện gần gũi, dùng ngôn từ khéo léo giúp cho người khác sinh tâm hoan hỷ, phát khởi niềm tin vào đức Phật, từ đó quay về nương tựa Ngài hằng lìa khổ được an vui. Đây cũng là việc làm khiến cho Phật pháp ngày một hưng thịnh, xã hội ngày một thanh bình hơn.

Thứ ba, bảo vệ hình ảnh đức Phật. Đức Phật là nhân vật được tôn thờ, tôn kính không chỉ ở tín đồ mà còn có hàng triệu triệu con người trên thế giới. Là Phật tử, chúng ta là con của Phật cần ý thức sẵn sàng bảo vệ hình ảnh thiêng liêng đáng tôn kính của “người cha” trước sự xúc phạm, xuyên tạc của các đối tượng, thế lực với dụng ý kiếm lợi hoặc mục đích không tốt. Đức Phật là hiện thân của Tam bảo, vì thế bảo vệ đức Phật là bảo vệ đạo Phật, bảo vệ giáo pháp và tăng đoàn.

Tóm lại, nhận thức, thái độ và hành vi đối với đức Phật là ba mặt biểu hiện lòng tôn kính đức Phật trong đời sống (gia đình, cơ sở Phật giáo, xã hội) của phật tử. Khi chúng ta có một trình độ nhận thức nhất định về đức Phật, có tình cảm sâu sắc đối với Ngài, chúng ta sẽ dễ dàng khắc phục trở ngại, khó khăn để thực tập giáo pháp của Ngài; thậm chí sẵn sàng hy sinh cả lợi ích cá nhân để thực hiện giáo pháp ấy. Và chúng ta chỉ có thể nỗ lực hành động như vậy khi thật sự đặt niềm tin vào Ngài. Đây là một thực tế không còn bàn cãi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu sự tôn kính và nương tựa đức Phật để mong cầu những niềm vui thế tục và hy vọng Ngài ban phát cho những niềm vui ấy, điều này hiếm thấy trong kinh điển Phật giáo mà chỉ có ở tín ngưỡng dân gian. Trái lại, sự tôn kính và nương tựa vào đức Phật để rồi từ đó xây dựng đời sống an lạc, mưu cầu giác ngộ, giải thoát thì điều này không có kinh điển nào trong Phật giáo là không đề cập. Do đó, bên cạnh sự tôn kính đức Phật, chúng ta cần xây dựng cho mình nhận thức đúng đắn, niềm tin sâu sắc để việc tu tập trở nên phù hợp với con đường chính đạo mà đức Phật chỉ dạy. 

Thích Không Tú
Nguồn: GHPGVN

In bài viết
Q-D DAIMOND GOLD

ĐỊA CHỈ: xxxphường cầu đất quận Ngô quyền. Thành phố Hải phòng
ĐIỆN THOẠI: 0878098xxx
EMAIL: Congtyvxxxxxung@gmail.com
WEBSITE: tiemvaxxxxxdung.com

FANPAGE FACEBOOK
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 35
Trong tuần: 140
Lượt truy cập: 39541